Ký Ức Hội An – Show diễn thực cảnh lớn nhất Việt Nam vinh dự đạt 2 kỷ lục

Show diễn Ký ức Hội An, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh sử dụng trang phục áo dài truyền thống Việt Nam làm ngôn ngữ chính, dùng kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại biến hóa tạo thành những bối cảnh cụ thể, công nghệ ánh sáng hiện đại và hiệu ứng âm thanh tinh tế, kể lại câu chuyện về Hội An vào bốn thế kỷ trước với sự sầm uất và duyên dáng.

Ký Ức Hội An – Show diễn thực cảnh lớn nhất Việt Nam

Ký ức Hội An, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh quy mô lớn, sân khấu ngoài trời được đầu tư kỹ lưỡng có sức chứa lên đến 3300 khán giả. Bối cảnh sân khấu là sự kết hợp cả sông nước núi non, chiều dài sân khấu là 1 km, với sự góp mặt hơn 500 diễn viên. Chương trình biểu diễn sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng tối tân, với sự tham gia tổ chức và sản xuất của chuyên gia đến từ quốc tế, cha đẻ của ngành biểu diễn thực cảnh.

Show diễn Ký ức Hội An
Show diễn Ký ức Hội An

Chương trình sử dụng trang phục là tà áo dài truyền thống Việt Nam làm ngôn ngữ chính, kỹ thuật dàn dựng sân khấu hiện đại biến hóa tạo nên những bối cảnh như thật, công nghệ ánh sáng tối tân và hiệu ứng âm thanh độc đáo.

Việc truyền tải được nét văn hóa, lịch sử bằng công nghệ hiện đại là một bài toán vô cùng khó. Ban cố vấn bao gồm: các Nhà sử học, Đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật, trang phục và đạo cụ là những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gạo cội của Việt Nam cùng hợp chặt chẽ với chuyên gia sản xuất quốc tế để khắc họa một cách rõ nét những nét đẹp mang đậm ấn tượng Hội An.

5 màn biểu diễn ấn tượng trong show “Ký ức Hội An”

Màn 1: Sinh Mệnh – Ký ức Hội An về thuở khai hoang lập Ấp

Màn 1 sinh mệnh chính là một bức tranh sinh động về các hoạt động thường ngày của người dân Hội An ngày xưa. Cụ thể đó là hình ảnh cô gái đang ngồi dệt vải với đôi bàn tay uyển chuyển, luôn nở nụ cười hiền hòa trên môi – Đây cũng chính là nhân vật xuất hiện xuyên suốt trong 60 phút của show diễn, để rồi tạo nên một hình ảnh làm mãn nhãn người xem vào những phút cuối của chương trình.

Hình ảnh cô gái ngồi dệt vải xuất hiện xuyên suốt chương trình
Hình ảnh cô gái ngồi dệt vải xuất hiện xuyên suốt chương trình

Sinh mệnh còn có màn biểu diễn sinh động với con đường ánh sáng, có 100 cô gái sẽ mặc áo dài thướt tha. Hình ảnh mầm sống mới được bắt đầu thật giản dị trong niềm hạnh phúc vỡ òa của đôi vợ chồng trẻ. Cùng với đó là hình ảnh của những chàng trai trẻ đang lao động hăng say để xây dựng nhà cửa và công việc đánh bắt cá,…

Hình ảnh những chàng trai đang lao động hăng say
Hình ảnh những chàng trai đang lao động hăng say

Áp dụng những kỹ xảo âm thanh và ánh sáng tối tân, hiện đại; cùng sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng từ đạo cụ sân khấu cho đến kỹ năng diễn xuất, màn biểu diễn Sinh mệnh của Ký ức Hội An đã tái hiện lại một cách sinh động, hấp dẫn, truyền tải trọn vẹn thông điệp ý nghĩa mà chương trình muốn gửi đến người xem.

Màn 2: Đám cưới – Ký ức Hội An thời kỳ văn hóa Chăm pa

Màn biểu diễn Đám cưới gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, hình ảnh rước dâu bằng voi diễn ra hoành tráng và thú vị. Hàng trăm diễn viên sẽ hóa thân thành người lính Chăm trong trang phục váy áo lộng lẫy, sang trọng và thực hiện những điệu nhảy múa đón dâu. Cùng với đó là hình ảnh những chú voi tượng cao to, cây cầu lãng mạn,…Tất cả đã tái hiện lại một cách rõ nét và đầy lôi cuốn về đám cưới giữa Huyền Trân Công Chúa cùng với Quốc Vương xứ Chăm pa, cột mốc lịch sử đáng nhớ của dân tộc ta.

Lễ rước dâu công chúa Huyền Trân với Quốc vương xứ Chăm Pa được tái hiện lại cách sinh động
Lễ rước dâu công chúa Huyền Trân với Quốc vương xứ Chăm Pa được tái hiện lại cách sinh động

Thông qua lễ hội rước dâu sang trọng hoành tráng của công chúa Huyền Trân với Quốc vương xứ Chăm pa, show “Ký ức Hội An” không chỉ muốn người xem hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế, chính trị và phong tục văn hóa của Hội An vào thời kì đó mà còn muốn tái hiện hình ảnh giao thương kinh tế sôi nổi của vùng Chiêm Cảng – Lâm Ấp từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 10.

Màn 3: Thuyền và Biển – Ký ức Hội An về giai đoạn chuyển mình

Thông điệp chính của màn 3 diễn Thuyền và Biển đó chính là bước chuyển mình phát triển mạnh mẽ của Hội An trở thành một thương cảng sầm uất bậc nhất trong móc thời gian từ thế kỷ 16 tới thế kỷ 17, điểm nhấn chính là câu chuyện tình yêu của cô gái xứ Faifo chờ mong mãi người yêu là thủy thủ tàu buôn thường xuyên phải ra khơi xa nhà.

Những điệu múa nghệ thuật điêu luyện và giàu cảm xúc trong màn biểu diễn Thuyền và Biển
Những điệu múa nghệ thuật điêu luyện và giàu cảm xúc trong màn biểu diễn Thuyền và Biển

Khán giả sẽ được trở về Hội An thế kỷ 16 – 17 trong bối cảnh phát triển ngành kinh tế mới, chàng trai buộc phải rời xa người yêu để lênh đênh trên biển giao thương hàng hóa với các nước khác. Đôi tình nhân xa nhau trong sự nhớ thương và một tình yêu chung thủy đến tận cùng. Để rồi cô hóa đá trong sự chờ đợi như ngọn đèn hoa đăng rực sáng trong đêm tối sau những ngày mong chờ, nhớ nhung, cầu nguyện.

Cô gái chờ đợi đến hóa đá như ngọn đèn hoa đăng giữa biển cả
Cô gái chờ đợi đến hóa đá như ngọn đèn hoa đăng giữa biển cả

Thuyền và Biển sử dụng nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chính. Cùng với đó là sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu ứng âm thanh ánh sáng, thơ và nhạc, khung cảnh sông nước, kỹ thuật múa điêu luyện, giàu nghệ thuật mang lại cho khán giả những cung bậc cảm xúc lắng đọng và chân thực nhất.

Màn 4: Bến Bờ – Ký ức Hội An về thời kỳ giao thoa văn hóa đa phương

Bối cảnh chính trong màn này là phiên chợ quốc tế Hội An hội nhập với thế giới để truyền tải hình không khí tấp nập, sôi động của một thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ 16 – 19.

Không khí sôi động của thương cảng Hội An trong khoảng thời gian từ thế kỷ 16 - 17
Không khí sôi động của thương cảng Hội An trong khoảng thời gian từ thế kỷ 16 – 17

Màn biểu diễn Bến Bờ này chính được xem điểm nhấn chính của chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”. Bến Bờ không chỉ cho khán giả  trở về một thời vàng son của thương cảng Hội An mà còn làm khán giả mãn nhãn trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong từng chi tiết từ tạo hình nhân vật, kỹ năng diễn xuất cho đến tiểu xảo âm thanh, ánh sáng và sô lượng diễn viên hùng hậu. Tất cả diễn ra không rời rạc, thiếu logic mà ngược lại được kết hợp hài hòa một cách tự nhiên giúp khán giả có thể dễ dàng nắm bắt được thông điệp chính mà tác giả muốn truyền tải.

Màn 5: Áo dài – Sự kết hợp giữa “Ký ức Hội An” cổ kính với hơi thở hiện đại

Hội An là một thành phố hiếm hoi vẫn còn gìn giữ được gần như trọn vẹn những giá trị quý giá từ hàng trăm năm trước dù đã qua biết bao thăng trầm lịch sử. Chính điều đó làm Hội An trở nên khác biệt và người dân nơi đây được quyền tự hào với bạn bè quốc tế.

Màn trình diễn Áo dài Việt Nam
Màn trình diễn Áo dài Việt Nam

“Ký ức Hội An” kết thúc chương trình bằng màn trình diễn áo dài truyền thống kết hợp cùng công trình kiến trúc cổ xưa gắn liền với Hội An. Trong không gian âm thanh và không khí hiện đại, các cô gái trẻ bắt đầu đạp xe đạp dọc theo con đường ánh sáng, len lỏi qua từng góc phố cổ đưa khán giả quay về thời hiện đại, đến với một Hội An cổ kính trầm mặc nhưng không kém phần năng động, hiện đại theo cách riêng của vùng đất này– ôn hòa, nhẹ nhàng và đầy tinh tế.

Qua bài viết này chúng tôi mong rằng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về show diễn ” Ký Ức Hội An”, show diễn thực cảnh có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *